Kế toán quản trị và kế toán tài chính là 2 khái niệm quen thuộc nhưng rất dễ bị nhầm lẫn. Bài viết dưới đây sẽ phân tích khái niệm, đặc điểm của kế toán tài chính doanh nghiệp và nội dung cơ bản của kế toán quản trị cũng như so sánh để độc giả phân biệt và hiểu 2 khái niệm này.
1. Khái niệm kế toán tài chính
Kế toán tài chính là việc ghi chép, phản ánh, tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính phục vụ cho các nhu cầu thông tin cho các đối tượng bên ngoài đơn vị, doanh nghiệp là chính. Kế toán tài chính phản ánh thực trạng và các biến động về vốn và tài sản của doanh nghiệp dưới dạng tổng quát hay phản ánh các dòng vật chất và dòng tiền tệ trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài.
2. Đặc điểm của kế toán tài chính doanh nghiệp
- Kế toán tài chính doanh nghiệp cung cấp thông tin chủ yếu cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, do đó để đảm bảo tính khách quan, thống nhất kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia.
- Kế toán tài chính mang tính pháp lệnh, nghĩa là được tổ chức ở tất cả các đơn vị kế toán và hệ thống sổ ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân thủ các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận.
- Thông tin kế toán tài chính cung cấp là những thông tin thực hiện về những hoạt động đã phát sinh, đã xảy ra mang tính tổng hợp thể hiện dưới hình thái giá trị.
- Báo cáo của kế toán tài chính là các báo cáo tài chính tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động cùa doanh nghiệp trong một thời ký báo cáo của kế toán tài chính được thực hiện theo định kỳ thường là hàng năm.
3. Khái niệm kế toán quản trị
Theo bộ luật Kế toán Việt Nam (năm 2003 ) và thông tư 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 của Bộ Tài chính hướng áp dụng kế toán quản trị doanh nghiệp: “Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”.
Từ khái niệm được nêu trên, cho thấy những điểm chung nhất về kế toán quản trị là:
- Một hệ thống kế toán cung cấp các thông tin định lượng.
- Những người sử dụng thông tin là những đối tượng trong tổ chức/đơn vị.
- Mục đích sử dụng thông tin là để hoạch định và kiểm soát các hoạt động của tổ chức/đơn vị.
4. Đặc điểm cơ bản của kế toán quản trị doanh nghiệp: Kế toán quản trị có nội dung rất rộng, sau đây là một số nội dung cơ bản.
-
Xét theo nội dung các thông tin mà kế toán quản trị doanh nghiệp cung cấp, có thể khái quát kế toán quản trị bao gồm:
- Kế toán quản trị các yếu tố sản xuất kinh doanh (mua sắm, sử dụng các đối tượng lao động – hàng tồn kho, tư liệu lao động – tài sản cố định, tuyển dụng và sử dụng lao động – lao động và tiền lương,…)
- Kế toán quản trị về chi phí và giá thành sản phẩm (nhận diện sản phẩm, phân loại chi phí, giá thành sản phẩm, lập dự toán chi phí, tập hợp, tính toán, phân bổ chi phí, giá thành, lập báo cáo phân tích chi phí theo bộ phận, theo các tình huống quyết định..)
- Kế toán quản trị về doanh thu và kết quả kinh doanh (phân loại doanh thu, xác định giá bán, lập dự toán doanh thu, tính toán, hạch toán chi tiết doanh thu, phân bổ chi phí chung, xác định kết quả chi tiết, lập báo cáo phân tích kết quả chi tiết theo bộ phận, theo các tình huống ra quyết định..)
- Kế toán quản trị các khoản nợ.
- Kế toán quản trị các hoạt động đầu tư tài chính
- Kế toán quản trị các hoạt động khác của doanh nghiệp
-
Xét theo quá trình kế toán quản trị trong mối quan hệ với chức năng quản lý, kế toán quản trị bao gồm:
- Chính thức hóa các mục tiêu của đơn vị thành các chỉ tiêu kinh tế.
- Lập dự toán chung và các dự toán chi tiết.
- Thu thập, cung cấp thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu.
- Soạn thảo báo cáo kế toán quản trị
Thông tin của kế toán quản trị doanh nghiệp không chỉ là thông tin quá khứ (thông tin thực hiện) mà còn bao gồm các thông tin về tương lai (kế hoạch, dự toán, dự tính...) Mặt khác, thông tin kế toán quản trị không chỉ là các thông tin về giá trị còn bao gồm các thông tin khác (hiện vật, thời gian lao động…).
5. So sánh giữa kế toán quản trị doanh nghiệp và kế toán tài chính doanh nghiệp
Để hiểu rõ mối quan hệ giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính ta cần phân tích sự giống nhau và khác nhau của 2 vấn đề này.
5.1. Sự giống nhau giữa kế toán quản trị doanh nghiệp và kế toán tài chính doanh nghiệp
-
Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ chặt chẽ với thông tin kế toán, đều nhằm vào việc phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đều quan tâm đến doanh thu, chi phí và sự vận động của tài sản, tiền vốn.
-
Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ chặt chẽ về số liệu thông tin. Các số liệu của kế toán tài chính và kế toán quản trị đều được xuất phát từ chứng từ gốc. Một bên phản ánh thông tin tổng quát, một bên phản ánh thông tin chi tiết.
-
Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ trách nhiệm của Nhà quản lý.
5.2. Sự khác nhau giữa kế toán quản trị doanh nghiệp và kế toán tài chính doanh nghiệp
-
Mục đích:
- Kế toán quản trị có mục đích: Cung cấp thông tin phục vụ điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Kế toán tài chính: Cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập các báo cáo tài chính.
-
Đối tượng phục vụ:
- Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán quản trị là: Các nhà quản lý doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, ban giám đốc).
- Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán tài chính là: Các nhà quản lý doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp (Nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê)
-
Nguyên tắc cung cấp thông tin:
- Kế toán quản trị không có tính bắt buộc, các nhà quản lý được toàn quyền quyết định và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng quản lý của doanh nghiệp.
- Kế toán tài chính phải tôn trọng các nguyên tắc kế toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến, nói cách khác kế toán tài chính phải đảm bảo tính thống nhất theo các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán nhất định để mọi người có cách hiểu giống nhau về thông tin kế toán đặc biệt là báo cáo tài chính và kế toán tài chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là những yêu cầu quản lý tài chính và các yêu cầu của xã hội thông qua việc công bố những số liệu mang tính bắt buộc.
-
Phạm vi của thông tin:
- Phạm vi thông tin của kế toán quản trị liên quan đến việc quản lý trên từng bộ phận (phân xưởng, phòng ban) cho đến từng cá nhân có liên quan.
- Phạm vi thông tin của kế toán tài chính liên quan đến việc quản lý tài chính trên quy mô toàn doanh nghiệp.
-
Kỳ báo cáo:
- Kế toán quản trị có kỳ lập báo cáo nhiều hơn: Quý, năm, tháng, tuần, ngày.
- Kế toán tài chính có kỳ lập báo cáo là: Quý, năm.
-
Tính bắt buộc theo luật định:
- Kế toán quản trị không có tính bắt buộc.
- Kế toán tài chính có tính bắt buộc theo luật định: Có nghĩa là sổ sách báo cáo của kế toán tài chính ở mọi doanh nghiệp đều phải bắt buộc thống nhất, nếu không đúng hoặc không hạch toán đúng chế độ thì báo cáo đó sẽ không được chấp nhận (tham khảo thêm về luật kế toán vừa ban hành).